top of page
Search

Tự hào là gì? Người LGBTQ+ tự hào vì điều gì?

Updated: 15 hours ago

Nghe audio của bài viết:


Thuyết minh bởi: Miss Gu Gồ. Theo dõi Miss Gu Gồ: Facebook, Instagram & TikTok



TÓM LƯỢC

“Tự hào” là một cảm xúc quen thuộc, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ bản chất tâm lý của nó. Điều này khiến cho dù vô tình hay chưa hiểu rõ vấn đề, những câu hỏi như “LGBT có gì mà phải tự hào?” xuất hiện khắp nơi mỗi mùa Pride. Bài viết này sẽ phân tích tự hào từ góc độ tâm lý học, làm rõ sự khác biệt giữa tự hào beta và tự hào alpha, cũng như vai trò của tự hào trong sự phát triển cá nhân và xã hội. Bài viết cũng sẽ làm sáng tỏ những hiểu lầm phổ biến về Pride thông qua việc điểm lại lịch sử, gồm những thành tựu và khó khăn mà cộng đồng LGBTQ+ đã và đang trải qua, từ đó khẳng định rằng lý do họ tự hào không phải vì họ “đặc biệt hơn” bất kỳ ai, mà bởi vì họ đã và đang nỗ lực không ngừng để sống đúng với bản thân trong một thế giới vẫn còn ngập tràn định kiến.

Bài viết thuộc chủ đề: LGBTQ+, Tâm lý học  & Quyền con người.

Cộng đồng LGBT và đồng minh của họ trên Phố Đi Bộ Nguyễn Huệ - TP.HCM.
Cộng đồng LGBT và đồng minh của họ trên Phố Đi Bộ Nguyễn Huệ - TP.HCM vào ngày 29/9/2024 (Ảnh: VietPride).

Từ khóa quan trọng (sẽ được in đậm trong phần còn lại của bài viết):


Tự hào

Tự hào beta

Tự hào alpha

Cảm xúc tự ý thức

LGBT/LGBTQ+ [chú thích 1]

Pride/Sự kiện Pride



1. NỀN TẢNG CỦA TỰ HÀO


1.1. Định nghĩa “tự hào


Tự hào là một khái niệm rộng và phức tạp, đến mức ngay cả giới chuyên môn cũng không thể đưa ra một định nghĩa cố định. Chính vì vậy mà nhiều nghiên cứu cho rằng tự hào nên được coi là tập hợp của nhiều cảm xúc khác nhau, thay vì xem là một cảm xúc đơn lẻ. [1]


Từ thời xa xưa, các triết gia nổi tiếng thế giới đã có những quan điểm rất khác nhau về lòng tự hào. Spinoza cho rằng đó là “một loại khoái cảm nảy sinh từ ảo tưởng về giá trị bản thân”, và Hobbes cảnh báo nhân loại rằng “lòng tự hào sẽ dẫn đến sự hủy diệt một cách tự nhiên”. Ngược lại, Aristotle xem tự hào là “vương miện của các đức tính”, còn Nietzsche coi nó như một phẩm chất đạo đức cao đẹp. Trong tâm lý học hiện đại, lòng tự hào được cho là có mối liên hệ mật thiết với cả hành vi thân thiện với xã hội lẫn hành vi chống đối xã hội. [2]


Ở Việt Nam ngày nay, nhờ bối cảnh xã hội và lịch sử rất riêng, mà sự mơ hồ trong định nghĩa tự hào còn lớn hơn nữa. Theo Hồ Văn Hiền (2015), trong các cuốn từ điển xuất bản vào thập niên 1930 mà ông có thể tham khảo, không hề tồn tại khái niệm “tự hào”. Đến nửa sau thế kỷ 20, từ này mới dần xuất hiện nhưng vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng. Phải đến năm 1999, Đại Từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý biên soạn mới định nghĩa “tự hào” là “lấy làm hãnh diện một cách chính đáng về cái tốt đẹp mà mình có”. [3] Cũng từ đây, nhiều người bắt đầu hiểu tự hào như một trạng thái cảm xúc có cấp độ từ thấp đến cao, và khi tự hào bị đẩy lên mức quá đà, nó có thể trở thành kiêu ngạo. [4]


Dưới góc nhìn tâm lý học, tự hào là một trong những cảm xúc thuộc nhóm cảm xúc tự ý thức – cùng với xấu hổ, tội lỗi và tủi nhục. [5] Cảm xúc tự ý thức xuất hiện khi một người bắt đầu nhìn vào bên trong bản thân, đánh giá xem mình đang ở đâu so với hình ảnh lý tưởng của chính mình. Hình ảnh lý tưởng này có thể được hình thành từ trải nghiệm cá nhân, những quy chuẩn xã hội hay đơn giản là mục tiêu riêng của mỗi người. Khi một sự kiện nào đó giúp một người cảm thấy họ đang tiến gần hơn đến phiên bản lý tưởng của chính mình, cảm giác tự hào sẽ xuất hiện. [6]


Nói cách khác, tự hào không chỉ đơn thuần là cảm giác vui khi đạt được điều gì đó, mà còn phản ánh cách con người nhìn nhận bản thân và vị trí của họ trong thế giới này.


1.2. Tự hào beta và tự hào alpha


Để khái niệm hóa tốt hơn về cấu trúc của lòng tự hào, các nhà tâm lý học phân chia nó thành hai khía cạnh chính: tự hào beta (tiếng Anh: beta pride/authentic pride) và tự hào alpha (tiếng Anh: alpha pride/hubristic pride), với mỗi loại đều có cơ chế hoạt động riêng biệt và xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. [2] Ta có thể áp dụng lý thuyết quy kết của Bernard Weiner để giải thích sự hình thành của hai dạng tự hào này. Theo Weiner, nguyên nhân dẫn đến thành tích, động lực và cảm xúc của con người có thể được phân tích qua ba yếu tố: (1) vị trí (nguyên nhân đến từ bên trong hay bên ngoài cá nhân), (2) tính ổn định (nguyên nhân kéo dài hay chỉ là tạm thời), và (3) khả năng kiểm soát (chúng ta có thể thay đổi nguyên nhân này không?). [7]


Khi áp dụng lý thuyết quy kết vào việc phân tích tự hào beta và tự hào alpha, các nghiên cứu cho thấy cả hai dạng tự hào này đều xuất phát từ nguyên nhân bên trong nội tâm, tức là chúng đều là kết quả của sự tự đánh giá của bản thân. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở tính ổn định và khả năng kiểm soát của nguyên nhân. Cụ thể, tự hào beta xuất hiện từ những nguyên nhân không ổn định, dễ dàng thay đổi, trong khi tự hào alpha lại bắt nguồn từ những nguyên nhân ổn định, khó có thể thay đổi:

Loại tự hào

Ví dụ

Nguyên nhân kích hoạt tự hào

Vị trí xảy ra nguyên nhân

Độ ổn định của nguyên nhân

Khả năng kiểm soát nguyên nhân

Tự hào beta

“Tôi tự hào về thành tích của mình vì tôi đã bỏ thời gian ra luyện thi!”

Nỗ lực tập luyện

Bên trong nội tâm

Nỗ lực thiếu ổn định, sẽ thay đổi tùy theo hoàn cảnh

Có thể kiểm soát tính chất của sự nỗ lực trong thời gian ngắn

Tự hào alpha

“Tôi tự hào về thành tích của mình vì tôi thông minh hơn bọn họ!”

Trí thông minh

Bên trong nội tâm

Trí thông minh ổn định trong một thời gian dài

Khó có thể kiểm soát tính chất của trí thông minh, cần thời gian dài để tác động

Trong ví dụ trên, có thể hiểu rằng sự khác nhau cơ bản giữa 2 kiểu tự hào nằm ở chỗ tự hào beta liên quan đến thành tích, còn tự hào alpha liên quan đến cảm giác ưu việt về bản thân khi đạt được thành tích. [2]


1.3. Tự hào trong tương quan xã hội


Cảm xúc cơ bản như tức giận, sợ hãi hay hạnh phúc là những phản ứng sinh tồn, giúp con người đối phó với nguy hiểm – chẳng hạn như sợ hổ sẽ giúp ta tránh bị ăn thịt. [8] Còn cảm xúc tự ý thức là nhóm cảm xúc phản ánh nhu cầu xã hội, giúp ta điều chỉnh hành vi để đạt được mục tiêu trong các mối quan hệ. [6][9] Qua đó, lòng tự hào đóng vai trò quan trọng trong cách ta tương tác với người khác, và giữa tự hào beta và tự hào alpha tồn tại sự khác biệt đáng kể, đặc biệt là khi xét đến ảnh hưởng của chúng trong xã hội. [1]


Những người có tự hào beta thường có xu hướng hành xử thân thiện với xã hội. Do bắt nguồn từ lòng tự tôn vững vàng, sự kiên trì và việc ghi nhận nỗ lực của bản thân, mà tự hào beta thường trở thành động lực để một người sử dụng năng lực của mình vào việc giúp đỡ người khác. [2] Chẳng hạn như trong công việc tình nguyện, khi một người càng cảm thấy tự hào về những gì mình làm, họ càng sẵn sàng xung phong nhận thêm trách nhiệm. Trong môi trường doanh nghiệp, nhân viên có tự hào beta cũng sẽ chủ động đảm nhận những nhiệm vụ ngoài trách nhiệm chính, góp phần tạo nên một môi trường làm việc thân thiện. Dựa trên mô hình 5 đặc trưng tính cách, [chú thích 2] tự hào beta có mối liên hệ tích cực với tính tận tâm và tính tương hợp – tức là những người có kiểu tự hào này thường có trách nhiệm, chân thành và dễ hòa hợp với người khác. [1][10]​ 


Ngược lại, do thiên về cảm giác hơn người, ham muốn thống trị và sự ngưỡng mộ từ người khác, mà người sở hữu tự hào alpha thường bị cuốn vào các hành vi chống đối xã hội như gây hấn, thù địch hay thao túng người khác để nâng cao vị thế của họ. [1] Chẳng hạn như, trong môi trường làm việc, một người có tự hào alpha có thể liên tục khoe khoang về thành tích cá nhân, xem thường đóng góp của đồng nghiệp và tìm cách giành công lao về với họ thay vì chủ động hợp tác. Điều này có thể làm giảm tinh thần đồng đội và gây mâu thuẫn trong nhóm. Khi xét trong mô hình 5 đặc trưng tính cách, tự hào alpha có mối liên hệ mâu thuẫn với tính tận tâm và tính tương hợp, đồng thời gắn liền với chỉ số nhạy cảm cao – nghĩa là những người này dễ bị tổn thương lòng tự trọng, thiếu đồng cảm và có xu hướng dìm hàng người khác, và thậm chí có thể trở nên ích kỷ hoặc thực hiện hành vi thao túng người khác. [10]​


1.4. Trạng thái ngược lại của tự hào

Hổ thẹn và tội lỗi là hai cảm xúc tự ý thức ngược lại so với tự hào. Chúng thường xuất hiện khi một sự kiện tiêu cực khiến một người cảm thấy xa rời hình ảnh bản thân lý tưởng. Nếu cá nhân đó quy kết hậu quả cho một hành động cụ thể của họ (ví dụ: “Anh ấy chia tay tôi do tôi đã không quan tâm đến cảm xúc của anh ấy”), họ sẽ cảm thấy tội lỗi. Nhưng nếu họ đánh giá bản thân toàn diện một cách tiêu cực (ví dụ: “Con người tôi chắc phải vô giá trị lắm nên anh ấy mới chia tay tôi”), họ sẽ rơi vào cảm giác hổ thẹn. Khi trở nên quá mức và dai dẳng, cả hai cảm xúc này đều có thể dẫn đến sự đánh giá tiêu cực về bản thân, cảm giác bế tắc và sự cô lập xã hội. [11]


Ở mức độ nhẹ, tội lỗi có thể là một động lực thúc đẩy cá nhân thực hiện những hành vi thân thiện với xã hội, chẳng hạn như mong muốn sửa sai, chuộc lỗi và cải thiện mối quan hệ. [12] Khi một người nhận ra sai lầm của mình và cảm thấy có trách nhiệm với hậu quả gây ra, họ có thể chủ động điều chỉnh hành vi, bày tỏ sự hối lỗi hoặc thực hiện những hành động nhằm khôi phục niềm tin từ người khác. Tuy nhiên, nếu một người phóng đại mức độ nghiêm trọng của lỗi lầm, liên tục trách móc bản thân hoặc nhận trách nhiệm một cách thiếu hợp lý đối với những điều nằm ngoài tầm kiểm soát, cảm giác tội lỗi có thể trở nên mất kiểm soát và làm chất xúc tác cho sự hổ thẹn. [13]


Khi kết hợp với cảm giác tội lỗi sâu sắc, hổ thẹn có thể trở thành một trải nghiệm cảm xúc mãnh liệt, thúc đẩy các hành vi tàn phá, tự hủy hoại. Người trải qua hổ thẹn mãn tính thường rơi vào vòng lặp tự trách và tự kỳ thị bản thân, dẫn đến các hành vi như tự cô lập, rút lui khỏi xã hội, hoặc trong nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn là tự làm tổn thương bản thân và có ý định tự sát. [11] Nghiên cứu của Tangney và Dearing (2002) cho thấy, không giống như tội lỗi – vốn tập trung vào hành vi sai trái và có thể thúc đẩy sự sửa chữa – hổ thẹn khiến cá nhân cảm thấy toàn bộ con người họ là sai trái, tồi tệ hoặc không xứng đáng, từ đó làm xói mòn lòng tự trọng ở cấp độ căn bản. Cảm giác này đặc biệt nguy hiểm nếu được nội hóa từ thời thơ ấu, chẳng hạn như trong những gia đình sinh học hoặc cộng đồng thường xuyên sử dụng hình thức giáo dục con cái dựa trên sự hổ thẹn (shaming-based parenting). [14]


Ở chiều ngược lại, khi hổ thẹn đi kèm với cảm giác bị sỉ nhục, bị hạ thấp hoặc bị công kích bởi người khác, nó có thể kích hoạt cơ chế phòng vệ mạnh mẽ, biểu hiện qua sự giận dữ và hành vi hung hăng. Lewis (1992) chỉ ra rằng cảm xúc hổ thẹn có thể chuyển hóa thành sự phẫn nộ hướng ra ngoài khi cá nhân cảm thấy bị dồn ép hoặc không còn cách nào khác để phục hồi lòng tự trọng. Đây là một hiện tượng phổ biến ở những người từng bị bắt nạt, bị kỳ thị hoặc phải sống trong môi trường khắc nghiệt – nơi họ không được công nhận và thường xuyên cảm thấy “thấp kém hơn người”. Trong bối cảnh này, hành vi gây hấn không chỉ là phản ứng bộc phát mà còn là một nỗ lực tuyệt vọng nhằm lấy lại vị thế xã hội và bảo vệ bản thân khỏi cảm giác yếu đuối hoặc bất lực. [15][16][17]


Một số nghiên cứu về tâm lý tội phạm cũng cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa cảm xúc hổ thẹn không được giải quyết và hành vi chống đối xã hội. Ví dụ, theo mô hình “shame-rage spiral” (vòng xoáy hổ thẹn–giận dữ) của Scheff (1997), khi một người cảm thấy bị làm nhục nhưng không thể xử lý hoặc thể hiện cảm xúc đó một cách lành mạnh, họ sẽ dễ bị cuốn vào chuỗi phản ứng bạo lực – nơi giận dữ đóng vai trò như một “tấm khiên” che giấu nỗi hổ thẹn sâu kín. Thay vì xây dựng lại giá trị bản thân, họ có xu hướng khẳng định bản thân bằng cách hạ bệ người khác, tìm cách kiểm soát hoặc thao túng những người xung quanh. Đây là lý do vì sao nhiều hành vi bạo lực trong các mối quan hệ cá nhân hoặc nơi công sở thường xuất phát từ nhu cầu bảo vệ lòng tự trọng bị tổn thương, hơn là từ sự xấu xa bẩm sinh. [18]


Vì vậy, hổ thẹn là loại cảm xúc tự ý thức mà có thể trở thành gốc rễ của nhiều vấn đề nghiêm trọng về mặt hành vi và tâm lý nếu không được thấu hiểu và xử lý đúng cách. Nó đóng vai trò then chốt trong việc hình thành những mô thức phòng vệ độc hại, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến cả cá nhân và cộng đồng. Qua đó, việc cho phép một người được tự hào có thể giúp giảm bớt những tác động tiêu cực của hổ thẹn. Nếu sự tự hào đó xuất phát từ sự công nhận nỗ lực cá nhân và giá trị đích thực của bản thân – tức tự hào beta – thì nó không chỉ giúp cải thiện lòng tự trọng, mà còn thúc đẩy hành vi tích cực và thân thiện với xã hội.


Tự hào beta không chỉ là một biểu hiện tích cực khi đạt được thành công; nó còn là nền tảng giúp con người đứng vững khi phải đối mặt với nghịch cảnh – chẳng hạn như trong môi trường mà lòng tự trọng dễ bị bào mòn bởi sự kỳ thị, áp lực xã hội, hoặc thiếu sự công nhận. Nếu một người bị nội hóa bởi cảm giác tội lỗi hoặc hổ thẹn không phải vì họ đã làm điều gì sai, mà đơn giản vì tính cách hoặc bản sắc cá nhân của họ không được xã hội công nhận, thì hổ thẹn và tội lỗi có thể ăn mòn họ dần dần và để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức bền tinh thần của họ. Khi đó, tự hào beta giúp họ xây dựng lại hình ảnh bản thân dựa trên việc nhìn nhận giá trị cá nhân một cách tích cực và công bằng, thay vì cảm thấy bản thân vô giá trị hoặc tìm cách áp đảo người khác để phục hồi lòng tự trọng.


 

“TỰ HÀO QUAN TRỌNG VÌ ĐÂU ĐÓ NGOÀI KIA VẪN CÓ NHỮNG NGƯỜI VẪN TIN RẰNG HỌ THÀ CHẾT ĐI CÒN HƠN LÀ SỐNG THẬT VỚI CHÍNH MÌNH.”


- Daysi Calavia-Robertson. [19]

 

2. TỰ HÀO TRONG BỐI CẢNH CỘNG ĐỒNG LGBTQ+


2.1. Trước khi xảy ra bạo động Stonewall 1969, cuộc sống của người LGBTQ+ ở Mỹ thế nào?


Khi nhắc đến phong trào Pride (Tự hào), không thể bỏ qua cột mốc quan trọng nhất – cuộc bạo động Stonewall năm 1969 tại Mỹ. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt, nêu bật tinh thần phản kháng mạnh mẽ của cộng đồng LGBTQ+ trước sự áp bức và bất công kéo dài. Trước khi Stonewall diễn ra, cộng đồng LGBTQ+ tại Mỹ đã phải chịu sự kỳ thị sâu sắc từ xã hội và chính quyền, với những luật lệ hà khắc tước đoạt nhiều quyền cơ bản của họ.


Từ thập niên 1920 đến giữa thập niên 1960, tất cả các tiểu bang của Mỹ đều có luật trừng phạt người đồng tính. Theo nhà sử học George Chauncey, họ không chỉ bị chế giễu và kỳ thị mà còn bị tước đoạt nhiều quyền công dân cơ bản, bao gồm quyền tụ họp công khai, quyền sử dụng tiện ích công cộng, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và quyền thực hiện các hành vi thân mật. Cảnh sát và tòa án liên tục nhắm vào cộng đồng với các cáo buộc như gây rối trật tự công cộng, hành vi dâm ô và âm mưu bất chính. [20]


Với người chuyển giới và không theo quy chuẩn giới, cuộc sống còn khắc nghiệt hơn. Hầu hết các bang có luật cải trang bất hợp pháp (masquerade laws), cấm mặc quần áo không phù hợp với giới tính do chính quyền quy định. Những người bị phát hiện mặc trang phục không phù hợp với giới tính trên giấy tờ có thể bị bắt giữ và phạt tiền. Ở New York vào năm 1969, các quán bar dành cho người LGBTQ+ thường đặt quy định rằng khách hàng phải mặc ít nhất ba món đồ phù hợp với giới tính hợp pháp của họ để tránh bị cảnh sát đột kích. [21] Những người chuyển giới cũng khó tìm việc làm và thường bị đẩy ra ngoài lề xã hội, buộc phải tham gia vào các công việc phi chính thức như lao động tình dục để sinh tồn. Trong bối cảnh đó, nhiều người chuyển giới, đặc biệt là phụ nữ chuyển giới da màu, phải đối mặt với bạo lực từ cảnh sát, khách hàng và cả xã hội nói chung. [22]


Một nhóm nam giới vui chơi, tất cả đều ăn mặc “như phụ nữ”, bị đưa lên một “chiếc xe bánh pie” khi cảnh sát đột kích một vũ hội hóa trang tại Manhattan Center vào sáng sớm một ngày năm 1939. (Ảnh: Bettmann Archive/Getty Images)
Một nhóm nam giới vui chơi, tất cả đều ăn mặc “như phụ nữ”, bị đưa lên một “chiếc xe bánh pie” khi cảnh sát đột kích một vũ hội hóa trang tại Manhattan Center vào sáng sớm một ngày năm 1939. (Ảnh: Bettmann Archive/Getty Images)

Năm 1952, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ xuất bản phiên bản đầu tiên của Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-I), trong đó xếp đồng tính vào danh mục rối loạn nhân cách xã hội học (sociopathic personality disturbance). [23] Quan điểm này được củng cố bởi nghiên cứu Homosexuality: A Psychoanalytic Study of Male Homosexuals năm 1962, trong đó lập luận rằng nguyên nhân của đồng tính là do trải nghiệm tiêu cực với phụ huynh khác giới. Cụ thể, nam giới đồng tính được cho là có mẹ độc đoán, trong khi nữ giới đồng tính được cho là có cha tồi. Nghiên cứu này đã có ảnh hưởng lớn đến quan điểm của giới y học thời bấy giờ. [24]


Năm 1953, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Dwight D. Eisenhower ký Sắc lệnh 10450, cấm người đồng tính làm việc trong các cơ quan liên bang. Quy định này khiến bất kỳ ai bị phát hiện là đồng tính đều có thể bị sa thải. [20] Nhà sử học David K. Johnson gọi giai đoạn này là The Lavender Scare (tạm dịch: Cuộc khủng hoảng Oải hương), do công chúng lúc đó sử dụng cụm từ chàng trai oải hương để miệt thị người đồng tính nam. Johnson giải thích rằng cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ bối cảnh chính trị của Chiến tranh Lạnh, khi người ta cho rằng người đồng tính là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và cần phải bị loại bỏ khỏi bộ máy chính quyền liên bang. [25]


Báo chí Hoa Kỳ thập niên 1950 đưa tin về chiến dịch sa thải nhân viên liên bang đồng tính trong The Lavender Scare. (Ảnh: PBS NewsHour)
Báo chí Hoa Kỳ thập niên 1950 đưa tin về chiến dịch sa thải nhân viên liên bang đồng tính trong The Lavender Scare. (Ảnh: PBS NewsHour)

Năm 1965, tại Philadelphia, sự kiện Dewey’s Sit-In đánh dấu một trong những cuộc phản kháng đầu tiên của người LGBTQ+. Khi một nhóm thanh thiếu niên gây náo động, quản lý của nhà hàng Dewey’s trên phố 17, khu Center City, quyết định từ chối phục vụ những khách hàng có hành vi bị xem là “không phù hợp.” Một số nhân viên đã mở rộng quyết định này để bao gồm cả “những người đồng tính và những ai mặc trang phục phi chuẩn mực.” Ngày 25/4/1965, hơn 150 người bị từ chối phục vụ, dẫn đến việc ba thanh thiếu niên (gồm hai nam và một nữ) từ chối rời đi. Họ cùng Clark Polak (một nhà hoạt động vì quyền LGBTQ+) và biên tập viên tạp chí DRUM bị bắt và bị kết tội gây rối trật tự. [26] Sự kiện này cho thấy cộng đồng LGBTQ+, bao gồm cả những người không theo quy chuẩn giới, đã bắt đầu đứng lên đòi quyền lợi ngay cả trước khi Stonewall xảy ra.


Tấm biển "Dewey’s Sit-In Marker" chụp bởi Cosmos Mariner vào ngày 26/6/2019, tường thuật lại cuộc biểu tình của cộng đồng LGBTQ+ năm 1965 ở Dewey's, dẫn đến việc nhà hàng này chấm dứt phân biệt đối xử. (Ảnh: Cosmos Mariner)
Tấm biển "Dewey’s Sit-In Marker" chụp bởi Cosmos Mariner vào ngày 26/6/2019, tường thuật lại cuộc biểu tình của cộng đồng LGBTQ+ năm 1965 ở Dewey's, dẫn đến việc nhà hàng này chấm dứt phân biệt đối xử. (Ảnh: Cosmos Mariner)

Năm 1968, Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần phiên bản thứ hai (DSM-II) tiếp tục coi đồng tính là một rối loạn tâm thần, nhưng thay đổi thuật ngữ mô tả thành hành vi lệch lạc tình dục. [25] Đối với người chuyển giới, dù chưa có khái niệm rối loạn nhận dạng giới (gender identity disorder) chính thức trong DSM (mà sau đó xuất hiện trong DSM-III), nhưng nhiều bác sĩ tâm thần đã coi họ là những người có bệnh lý và khuyến khích các biện pháp điều trị để đưa họ về với giới tính hợp pháp. [27][28] 


Nhìn chung, trước khi cuộc bạo động Stonewall nổ ra, cộng đồng LGBTQ+ ở Mỹ phải sống trong sự kỳ thị, bức hại và đàn áp từ nhiều phía – từ chính quyền, y học cho đến xã hội. Họ không chỉ bị tước đoạt quyền cơ bản mà còn bị gắn mác là bệnh hoạn, phi đạo đức và nguy hiểm đối với xã hội. Tuy nhiên, ngay trong hoàn cảnh đó, những cuộc phản kháng nhỏ lẻ vẫn diễn ra, đặt nền móng cho các phong trào đấu tranh mạnh mẽ sau này của cộng đồng.


2.2. Bạo động Stonewall


Vào rạng sáng ngày 28 tháng 6 năm 1969, cảnh sát New York đã tiến hành một cuộc đột kích vào quán bar Stonewall Inn, một địa điểm nổi tiếng của cộng đồng LGBTQ+ tại Greenwich Village. Dù cuộc đột kích của cảnh sát là hợp pháp do câu lạc bộ này bán rượu mà không có giấy phép, cùng với nhiều vi phạm khác, nhưng cộng đồng LGBTQ+ ở New York đã quá chán nản khi các quán bar dành cho họ liên tục bị sở cảnh sát nhắm đến, khiến nhiều địa điểm phải đóng cửa. Điều đó khiến cho lần này, cộng đồng đã phản ứng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. [29]


Khi cảnh sát bắt đầu lôi kéo nhân viên và khách hàng ra khỏi quán một cách thô bạo, đám đông bên ngoài đã tập trung lại, theo dõi và bày tỏ sự phẫn nộ. Theo các báo cáo nhân chứng, sự kiện bùng nổ khi cảnh sát đánh đập một người phụ nữ ăn mặc theo phong cách nam tính. Một số người tin rằng đó là Stormé DeLarverie, một nhà hoạt động đồng tính nữ, người đã phản đối vì còng tay của cô quá chặt. Đám đông bắt đầu la ó, gọi cảnh sát là Lũ lợn!Lũ cớm!, sau đó ném tiền xu, chai lọ và gạch đá về phía họ. Một số người còn đâm thủng lốp xe cảnh sát. Những người đầu tiên phản kháng là những thanh niên vô gia cư, thường coi Stonewall Inn là nơi trú ẩn an toàn nhất của họ. Hai phụ nữ chuyển giới da màu, Marsha P. Johnson và Sylvia Rivera, được cho là đã tham gia vào cuộc nổi dậy. Một số nguồn tin nói rằng Johnson đã ném chai hoặc gạch đầu tiên, trong khi Rivera có thể đã ném viên đá hoặc chai đầu tiên vào cảnh sát. Tuy nhiên, Johnson sau đó khẳng định trong một cuộc phỏng vấn năm 1987 rằng cô chỉ đến nơi khi cuộc bạo động đã bắt đầu. [30]


Đến gần 4 giờ sáng, khi các xe cảnh sát rời đi để đưa những người bị bắt đến đồn, đám đông giận dữ đã buộc lực lượng cảnh sát còn lại phải rút vào trong Stonewall Inn và tự cố thủ chính mình bên trong. Một số người biểu tình đã dùng trụ đỗ xe làm khúc gỗ công phá để phá cửa, trong khi những người khác ném chai bia, rác và thậm chí tạo ra bom xăng tự chế bằng diêm và chất lỏng dễ cháy. Khi cảnh sát chống bạo động đến để giải tán đám đông, những người biểu tình đã khôn khéo chạy qua các con phố nhỏ của Greenwich Village, liên tục quay lại phía sau cảnh sát để tiếp tục đối đầu. [29] [30]


Dù không có ai tử vong trong đêm đầu tiên, một số sĩ quan cảnh sát được báo cáo là đã bị thương. Tuy nhiên, cuộc bạo loạn không kết thúc ngay trong đêm đó. Đêm tiếp theo, Stonewall Inn mở cửa trở lại dù không phục vụ rượu, và ngày càng có nhiều người tập trung để thể hiện sự ủng hộ. Họ hô vang khẩu hiệu Gay Power! (Sức mạnh Đồng tính!) và We Shall Overcome(Chúng tôi sẽ chiến thắng) [chú thích 3]. Cảnh sát được huy động với số lượng lớn hơn, bao gồm cả Đội Tuần Tra Chiến Thuật (TPF), những người đã sử dụng hơi cay và dùi cui để đàn áp đám đông. Những cuộc đối đầu tiếp tục diễn ra trong những ngày sau đó, kéo dài đến ngày 3 tháng 7 năm 1969. [30][31]


Sự kiện này đã thu hút sự chú ý lớn từ báo chí và công chúng, trở thành một bước ngoặt lịch sử. Từ đó, phong trào vận động quyền LGBTQ+ đã bước sang một giai đoạn mới, với những cuộc tuần hành và tổ chức quy mô lớn hơn trên khắp nước Mỹ và thế giới. [31]


Đám đông đang cố gắng cản trở cảnh sát bắt người ở bên ngoài quán bar Stonewall Inn  trên phố Christopher ở khu Greenwich Village, năm 1969 (Ảnh: New York Daily News Archive/Getty Images)
Đám đông đang cố gắng cản trở cảnh sát bắt người ở bên ngoài quán bar Stonewall Inn trên phố Christopher ở khu Greenwich Village, năm 1969 (Ảnh: New York Daily News Archive/Getty Images)

2.3. Quyền LGBTQ+ hậu Stonewall


2.3.1. Những thành tựu mà cộng đồng LGBTQ+ đạt được


Sau bạo loạn Stonewall, nhiều tổ chức LGBTQ+ được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi và thúc đẩy sự chấp nhận xã hội cho cộng đồng. Mặt trận Giải phóng Đồng tính (Gay Liberation Front) là một trong những tổ chức đầu tiên được thành lập, với mục tiêu vận động quyền bình đẳng và chống lại sự kỳ thị. Các nhóm này không chỉ tập trung vào việc yêu cầu quyền lợi hợp pháp mà còn mở rộng phạm vi vận động quyền ra phạm vi lớn hơn như phân biệt chủng tộc và giới tính. [32] Vào ngày 28 tháng 6 năm 1970, các cuộc diễu hành đầu tiên kỷ niệm một năm sự kiện bạo loạn Stonewall đã diễn ra tại New York, Chicago và Los Angeles. Tại New York, sự kiện này được gọi là Christopher Street Liberation Day March, bắt đầu từ Washington Place và kết thúc tại Đồng cỏ cừu ở Central Park. [33] Tại Chicago, khoảng 150-200 người đã tham gia cuộc diễu hành từ Bughouse Square đến Civic Center (nay là Daley Plaza). [34] Những sự kiện này không chỉ kỷ niệm một năm bạo loạn Stonewall mà còn đánh dấu sự khởi đầu của Tháng Tự hào (Pride Month), được tổ chức vào tháng 6 hàng năm kể từ đó. [35]


Đoàn người tham gia sự kiện “Christopher Street Liberation Day March”, bắt đầu từ Washington Place và kết thúc tại Đồng cỏ cừu ở Central Park. (Ảnh: Diana Davies/New York Public Library)
Đoàn người tham gia sự kiện Christopher Street Liberation Day March, bắt đầu từ Washington Place và kết thúc tại Đồng cỏ cừu ở Central Park. (Ảnh: Diana Davies/New York Public Library)

Trong những năm sau đó, không chỉ phong trào vận động quyền LGBTQ+ ở Hoa Kỳ có những bước tiến rõ rệt, mà các phong trào LGBTQ+ ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ. Nhiều quốc gia đã tiến hành hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, bắt đầu với Hà Lan vào năm 2001, tiếp theo là Canada, Tây Ban Nha, Argentina, Pháp, và gần đây nhất là Thái Lan vào năm 2025. [36] Song song với việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, nhiều quốc gia đã ban hành luật chống phân biệt đối xử, bảo vệ người LGBTQ+ khỏi sự kỳ thị tại nơi làm việc, trong giáo dục và các dịch vụ công cộng. Chẳng hạn như tại Nhật Bản, chính quyền Tokyo đã thông qua luật chống phân biệt đối xử với người LGBTQ+ vào năm 2018, cấm các hành vi phân biệt dựa trên bản dạng giới và xu hướng tính dục, đồng thời cam kết thực hiện các biện pháp giáo dục công cộng về quyền của cộng đồng LGBTQ+. [37] Về mặt y tế, Hiệp hội Tâm thần học Mỹ đã loại đồng tính khỏi danh sách các rối loạn tâm thần sau một cuộc bỏ phiếu năm 1973, tiếp đó năm 1975 Hiệp hội Tâm lý học Mỹ cũng đưa ra kết luận tương tự. [23][38] Ngày 17 tháng 5 năm 1990, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã chính thức loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách các bệnh. [39] Những động thái này khẳng định rằng đồng tính không phải là bệnh lý, góp phần thay đổi nhận thức xã hội và giảm thiểu kỳ thị đối với cộng đồng LGBTQ+.


Bản đồ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. (Ảnh: Human Rights Campaign)
Bản đồ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. (Ảnh: Human Rights Campaign)

Bên cạnh những tiến bộ trên thế giới, Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng kể. Năm 2015, Quốc hội Việt Nam sửa đổi Bộ luật Dân sự, tạo điều kiện cho người chuyển giới thay đổi giấy tờ hợp pháp. Theo đó, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. [40] Cùng năm đó, điều khoản cấm hôn nhân đồng giới trong Luật Hôn nhân và Gia đình được bãi bỏ, thể hiện sự thay đổi trong nhận thức pháp lý dù hôn nhân đồng giới chưa được công nhận chính thức. [41] Ngoài ra, các sự kiện của VietPride từ năm 2012 đã góp phần tạo ra không gian an toàn cho cộng đồng LGBTQ+, giúp nâng cao nhận thức xã hội và thúc đẩy các cuộc thảo luận cởi mở hơn về quyền của người LGBTQ+ tại Việt Nam. [42] Vào năm 2022, thông qua Công văn số 4132/BYT-PC ban hành ngày 3 tháng 8, Bộ Y tế Việt Nam đã chính thức khẳng định rằng đồng tính, song tính và chuyển giới không phải là bệnh, chấn chỉnh công tác khám bệnh và chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới sau khi nhận được phản ánh về việc một số cơ sở y tế và bác sĩ tự nhận có khả năng chữa khỏi đồng tính. [43]


Văn bản của Bộ Y tế ngày 03/08/2022 yêu cầu các cơ sở y tế không được can thiệp, ép buộc điều trị các đối tượng thuộc cộng đồng LGBT. (Ảnh: Thư Viện Pháp Luật)
Văn bản của Bộ Y tế ngày 03/08/2022 yêu cầu các cơ sở y tế không được can thiệp, ép buộc điều trị các đối tượng thuộc cộng đồng LGBT. (Ảnh: Thư Viện Pháp Luật)

Bên cạnh các thay đổi pháp lý và chính sách, sự chuyển biến trong cách nhìn nhận của công chúng về cộng đồng LGBTQ+ cũng từng bước được phản ánh trong truyền thông và văn hóa đại chúng. Kể từ sau Stonewall, hình ảnh người LGBTQ+ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, từ báo chí, phim ảnh đến âm nhạc và mạng xã hội. Các bộ phim như Philadelphia (1993), Brokeback Mountain (2005), [44] hay các series truyền hình như Will & Grace, Modern Family [45] đã góp phần đưa các câu chuyện LGBTQ+ đến với đại chúng, từ đó phá vỡ định kiến và thúc đẩy sự đồng cảm. Sự nổi lên của các biểu tượng LGBTQ+ như RuPaul, Lady Gaga, hay gần đây nhất là Chappell Roan, cũng góp phần lớn vào việc truyền cảm hứng và khẳng định sự hiện diện hợp pháp của người LGBTQ+ trong đời sống công cộng. [46][47][48] Tại Việt Nam, những người nổi tiếng công khai đồng tính và chuyển giới như Vũ Cát Tường và Hương Giang Idol, [49] hay các chiến dịch truyền thông như Tôi đồng ý [50] cũng góp phần mở rộng cuộc đối thoại xã hội về đa dạng giới và xu hướng tính dục. Như vậy có thể thấy, truyền thông không chỉ phản ánh những thay đổi trong xã hội mà còn góp phần định hình cách các chuẩn mực mới được hình dung và tiếp nhận – dù vai trò này đôi khi mang tính chất phản ánh hơn là dẫn dắt.


Ca sĩ - nhạc sĩ đồng tính nữ Chappell Roan hóa trang thành Tượng Nữ thần Tự do tại lễ hội âm nhạc Governors Ball. (Ảnh: tài khoản alyssaemiliephoto trên Instagram).
Ca sĩ - nhạc sĩ đồng tính nữ Chappell Roan hóa trang thành Tượng Nữ thần Tự do tại lễ hội âm nhạc Governors Ball. (Ảnh: tài khoản alyssaemiliephoto trên Instagram).

2.3.2. Những thách thức mà cộng đồng vẫn còn gặp phải


Dù có nhiều tiến triển đáng kể trong chất lượng cuộc sống và sự nhìn nhận từ xã hội, người LGBTQ+ ở nhiều nơi trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với những hình thức bạo lực nghiêm trọng và thậm chí là sự hình sự hóa. Tính đến năm 2024, ở một số quốc gia Trung Đông và châu Phi, quan hệ đồng giới vẫn bị coi là tội hình sự – và ở một số nơi, người công khai là đồng tính có thể phải đối mặt với án tử hình. [51] Bạo lực mang tính thù ghét đối với người LGBTQ+ cũng chưa có dấu hiệu thuyên giảm, đặc biệt là với người chuyển giới – nhóm thường xuyên là mục tiêu của các vụ tấn công. Theo thống kê của Mạng lưới Người chuyển giới châu Âu và Trung Á (TGEU), từ ngày 1/10/2023 đến 30/9/2024, đã có 350 người chuyển giới bị sát hại – tăng 29 người so với cùng kỳ năm trước. [52] Ở Georgia, bạo lực và kỳ thị đối với người LGBTQ+ thậm chí còn được hợp pháp hóa: tháng 9/2024, Quốc hội nước này đã thông qua bộ luật “Giá trị gia đình và bảo vệ trẻ em” với các điều khoản cấm mọi hình thức đề cập tích cực đến cộng đồng LGBTQ+ trong sách báo, phim ảnh, trường học và truyền thông – đồng thời hạn chế quyền tự do ngôn luận, tiếp cận y tế và tổ chức sự kiện công cộng. [53]


Bản đồ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ hình sự hóa hành vi quan hệ tình dục đồng giới. (Ảnh: Human Dignity Trust)
Bản đồ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ hình sự hóa hành vi quan hệ tình dục đồng giới. (Ảnh: Human Dignity Trust)

Ngay cả ở những quốc gia không hình sự hóa đồng tính, cộng đồng LGBTQ+ vẫn thường xuyên bị đẩy vào tình trạng dễ tổn thương vì thiếu các cơ chế pháp lý bảo vệ phù hợp. Sự thiếu hụt luật chống phân biệt đối xử trong các lĩnh vực như lao động, giáo dục và chăm sóc sức khỏe – đặc biệt với người chuyển giới – khiến các nạn nhân gần như không có công cụ pháp lý để phản kháng. Ví dụ, tại Jordan, dù quan hệ đồng giới đã được phi hình sự hóa từ năm 1951, nhưng người LGBTQ+ vẫn không được bảo vệ khỏi kỳ thị do không có luật cụ thể. [54] Họ thường xuyên bị sách nhiễu bởi cảnh sát và cơ quan chức năng thông qua các điều khoản mơ hồ về đạo đức công cộng hoặc an ninh mạng. Một ví dụ điển hình là vào năm 2019, một phụ nữ chuyển giới đã bị dụ vào bẫy, khám xét điện thoại cá nhân và tạm giam nhiều lần chỉ vì các bức ảnh riêng tư – cô phải ra tòa tới 8 lần trước khi được tại ngoại. [55] Tình trạng này không chỉ giới hạn ở Trung Đông. Tại Hoa Kỳ – một quốc gia vốn được xem là có hệ thống pháp luật tiên tiến – hơn 39% thanh thiếu niên chuyển giới đang sống ở các bang đã ban hành luật cấm hoặc hạn chế nghiêm trọng dịch vụ chăm sóc sức khỏe khẳng định giới tính, bất chấp sự phản đối từ các tổ chức y khoa hàng đầu như Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA). [56] Những chính sách này không chỉ là sự phân biệt đối xử mang tính hệ thống mà còn góp phần làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất của người chuyển giới trẻ tuổi.


Bản đồ các bang ở Mỹ ban hành luật cấm chăm sóc khẳng định giới cho trẻ vị thành niên: Tính đến hiện tại, hơn 20 bang (tô đỏ) đã thông qua luật hoặc chính sách cấm cung cấp dịch vụ y tế hỗ trợ người chuyển giới dưới 18 tuổi — bao gồm điều trị hormone và phẫu thuật. (Ảnh: Human Rights Campaign Foundation)
Bản đồ các bang ở Mỹ ban hành luật cấm chăm sóc khẳng định giới cho trẻ vị thành niên: Tính đến hiện tại, hơn 20 bang (tô đỏ) đã thông qua luật hoặc chính sách cấm cung cấp dịch vụ y tế hỗ trợ người chuyển giới dưới 18 tuổi — bao gồm điều trị hormone và phẫu thuật. (Ảnh: Human Rights Campaign Foundation)

Ở Việt Nam, dù đã có nhiều bước tiến pháp lý mang tính biểu tượng trong việc nhìn nhận quyền của người LGBTQ+, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng khiến cộng đồng dễ bị tổn thương trong thực tiễn đời sống. Các văn bản pháp luật liên quan thường mới dừng lại ở nguyên tắc định hướng hoặc tuyên bố chính sách, thiếu đi các hướng dẫn thi hành cụ thể và cơ chế bảo vệ mang tính cưỡng chế. Chẳng hạn, dù việc chuyển đổi giới tính đã được thừa nhận về mặt pháp lý từ năm 2015 và được củng cố trong Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) năm 2022, đến nay vẫn chưa có luật chuyển đổi giới tính riêng biệt được ban hành – khiến người chuyển giới không thể thực hiện thủ tục pháp lý hay tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp. [57] Tương tự, việc gỡ bỏ điều khoản cấm hôn nhân đồng giới trong luật chỉ mang tính “không cấm” chứ không “bảo vệ” – đồng nghĩa với việc các cặp đôi đồng giới vẫn không có quyền tài sản, quyền nuôi con hay đại diện pháp lý cho nhau. [58][59]


Ngoài ra, pháp luật Việt Nam chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào nhằm cấm phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục hay bản dạng giới trong các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, lao động và tư pháp. [60] Chẳng hạn như, theo báo cáo năm 2023 của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), trong số những người LGBTQ+ đã và đang đi làm tham gia khảo sát, khoảng 23,5% cho biết từng nghe hoặc nhìn thấy những nhận xét tiêu cực về người LGBTQ+ từ đồng nghiệp, trong khi 17,9% từng nghe từ cấp trên và 16,3% từ khách hàng hoặc đối tác. Bên cạnh đó, người chuyển giới – đặc biệt là người chuyển giới nữ – gặp nhiều rào cản tại nơi làm việc, như bị ép mặc đồng phục không đúng với thể hiện giới (21,4%), bị hạn chế cơ hội thăng tiến (10,5%) hoặc bị trả lương thấp hơn so với người khác cùng vị trí (5,3%). Về lĩnh vực y tế, trong số 1.423 người LGBTQ+ từng sử dụng dịch vụ y tế trong vòng 12 tháng trước khảo sát, 1,34% cho biết từng chứng kiến hành vi phân biệt đối xử từ nhân viên y tế, và 1,9% bị ngó lơ hoặc bỏ qua khi trình bày nhu cầu khám chữa bệnh chuyên biệt. Đối với nhóm người chuyển giới chưa từng tiếp cận dịch vụ y tế chuyên biệt, 10,4% cho biết họ sợ bị kỳ thị tại các cơ sở y tế, và 2,4% từng có trải nghiệm bị kỳ thị trong quá khứ. [61] Việc thiếu vắng hệ thống pháp lý rõ ràng và các cơ quan giám sát độc lập khiến người LGBTQ+ khó có khả năng khiếu nại hay yêu cầu bồi thường khi bị xâm phạm quyền lợi. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc chuyển từ thừa nhận tồn tại sang thiết lập cơ chế bảo vệ thực chất cho cộng đồng LGBTQ+ tại Việt Nam.


Trong nhiều xã hội trên thế giới – đặc biệt là những cộng đồng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mô hình gia đình “truyền thống” và các chuẩn mực văn hóa bảo thủ – người LGBTQ+ vẫn thường phải đối mặt với sự kỳ thị ngay trong chính gia đình sinh học của mình. Không ít người bị buộc phải sống hai mặt, chịu áp lực kết hôn khác giới, hoặc thậm chí bị đưa đi “chữa trị” bằng các biện pháp phản khoa học. [62][63][64] Tình trạng này cũng diễn ra ngay tại Việt Nam – ngay cả khi Công văn số 4132/BYT-PC của Bộ Y tế đã được thông qua. Theo báo cáo nghiên cứu năm 2024 của iSEE và Doanh nghiệp Xã hội Hải Đăng, tất cả người tham gia khảo sát – là người LGBTQ+ sống tại Việt Nam – đều từng trải qua ít nhất hai hình thức “chữa trị chuyển đổi”. Nhiều người bị gia đình sinh học cưỡng ép tham gia trị liệu tâm lý, khám chữa y khoa, hoặc thậm chí các biện pháp tâm linh nhằm thay đổi xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới. Một số cá nhân bị ép tiêm hormone dù bản thân phản đối – trong đó có người gặp biến chứng nặng đến mức suy đa tạng. Những hành vi này gây ra hậu quả tâm lý sâu sắc, như trầm cảm, tự làm hại bản thân và rối loạn căng thẳng sau sang chấn. [65] Trên bình diện toàn cầu, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng sự kỳ thị từ gia đình sinh học là một trong những yếu tố làm trầm trọng thêm nguy cơ trầm cảm, tự tử và vô gia cư trong cộng đồng LGBTQ+ trẻ tuổi. [66][67] Khi hệ thống hỗ trợ xã hội còn hạn chế, gia đình sinh học – thay vì là chốn an toàn – đôi khi lại trở thành một trong những nơi tái sản xuất sự kỳ thị một cách sâu sắc nhất.


Biểu tình tại Orange County, California, Mỹ yêu cầu chấm dứt liệu pháp “chữa trị chuyển đổi” LGBTQ+. (Ảnh: Ehimetalor Akhere Unuabona/Unsplash.com)
Biểu tình tại Orange County, California, Mỹ yêu cầu chấm dứt liệu pháp “chữa trị chuyển đổi” LGBTQ+. (Ảnh: Ehimetalor Akhere Unuabona/Unsplash.com)

2.4. Ý nghĩa của sự kiện Tự hào đối với người LGBTQ+?


Đối với cộng đồng LGBTQ+, Pride không chỉ đơn giản là một lễ hội nhiều màu sắc. Đó là một hành vi tâm lý mang tính kháng cự, một sự khẳng định bản thân được xây dựng trên nền tảng của tự hào beta – dạng tự hào được hình thành khi con người ghi nhận nỗ lực cá nhân trong hành trình chạm đến hình ảnh lý tưởng của chính mình, dù điều đó đi ngược với kỳ vọng của xã hội.


Trong môi trường mà sự tồn tại của một cá nhân LGBTQ+ đã và vẫn đang bị gắn mác là “bệnh hoạn”, “trái đạo đức” hay thậm chí là “nguy hiểm”, việc công khai bản dạng và sống thật với bản thân là một hành động chứa đựng rủi ro lớn – từ bị kỳ thị, cô lập đến mất cơ hội học tập, việc làm hay bị bạo lực. Chính vì thế, Pride không sinh ra từ cảm giác vượt trội, mà từ một trạng thái đối nghịch với hổ thẹn – cảm giác thường xuyên được nội hóa bởi người LGBTQ+ ngay từ khi họ bắt đầu nhận ra mình “khác biệt”.


Khi một người LGBTQ+ dám bước ra ánh sáng, điều họ cần không phải là sự ngưỡng mộ, mà là sự công nhận giá trị thật – dù đó là giá trị bị nhiều người trong xã hội phủ nhận. Trong bối cảnh đó, Pride trở thành một hành vi tái kiến tạo hình ảnh bản thân, giúp cá nhân chống lại cảm giác vô giá trị do hổ thẹn tạo ra. Tự hào ở đây không chỉ là phần thưởng cho nỗ lực sinh tồn, mà còn là liều thuốc tinh thần cần thiết để họ tiếp tục bước đi vững vàng trên con đường của chính họ.


Pride cũng mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Theo lý thuyết về cảm xúc tự ý thức, tự hào không chỉ phản ánh nhu cầu cá nhân, mà còn giúp con người định vị vai trò của mình trong tập thể. [6][9] Pride – với vai trò là một sự kiện cộng đồng – tạo ra một mạng lưới đồng cảm, nơi những người từng bị gạt ra bên lề xã hội được nhìn thấy, được lắng nghe, và được cảm nhận rằng mình “thuộc về”. Sự đoàn kết đó không chỉ mang ý nghĩa lớn về mặt tinh thần đối với mỗi cá nhân, mà còn là cơ chế hồi phục tập thể. Pride tạo ra sự chuyển hóa từ cảm xúc cá nhân sang hành động chính trị. Khi tự hào được thể hiện công khai, nó trở thành lời tuyên bố rằng sự tồn tại của người LGBTQ+ là chính đáng và không cần phải “xin phép nhóm đa số”. Sự hiện diện công khai này phá vỡ vòng lặp của hổ thẹn xã hội, thách thức các cấu trúc quyền lực vốn dựa vào việc đè nén sự khác biệt, vận động xã hội mở rộng chuẩn mực để bao hàm nhiều hình thức hiện diện của con người hơn.


Cuối cùng, Pride còn là một hành vi chủ động lấy lại quyền kể câu chuyện của bản thân. Trong suốt nhiều thế kỷ, câu chuyện về người LGBTQ+ chủ yếu được viết bởi những người bên ngoài cộng đồng, gồm giới y học, luật pháp, các tổ chức tôn giáo – và hầu hết là qua lăng kính bệnh lý hóa, phán xét đạo đức, hoặc hình sự hóa. Sự kiện Pride – đặc biệt là khi đi kèm với hoạt động nghệ thuật, truyền thông hoặc giáo dục – cho phép người LGBTQ+ tự kể lại hành trình của chính mình, trên chính sân khấu của họ. Đó là cách họ giành lại quyền năng biểu đạt bản sắc, phản bác những khuôn mẫu định sẵn, và xây dựng một tương lai mới – nơi họ không chỉ được tồn tại, mà còn được sống một cuộc đời có phẩm giá.


Vì thế mà Pride không phải là biểu tượng của sự kiêu ngạo, mà là ngọn cờ của sự sống còn – giúp người LGBTQ+ tiếp tục tồn tại một cách đầy tự trọng, ngay cả khi xã hội vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng thừa nhận họ. Pride nhấn mạnh rằng tiến trình vận động quyền LGBTQ+ vẫn còn nhiều thử thách và chưa thể dừng lại.


 

LÒNG TỰ HÀO CỦA NGƯỜI LGBTQ+ LÀ NGỌN ĐUỐC SOI ĐƯỜNG, DẪN LỐI HỌ VỮNG VÀNG BƯỚC QUA NHỮNG ĐỊNH KIẾN VẪN CÒN ẨN SÂU TRONG XÃ HỘI.

 
Tình yêu là tình yêu. Không cần xin phép. Không cần giải thích. (Ảnh: Idalba Granada/Vecteezy)
Tình yêu là tình yêu. Không cần xin phép. Không cần giải thích. (Ảnh: Idalba Granada/Vecteezy)

CHÚ THÍCH

STT

Tên

Ý nghĩa

Chú thích 1

Viết tắt của lesbian (đồng tính nữ), gay (đồng tính nam), bisexual (song tính), transgender (chuyển giới) và queer/questioning. Dấu “+” đại diện cho các bản dạng và xu hướng khác nằm ngoài những nhóm trên, như intersex (liên giới tính), asexual (vô tính), pansexual (toàn tính), non-binary (phi nhị nguyên giới), v.v.

Chú thích 2

Một công cụ tâm lý học giúp phân tích tính cách con người qua năm yếu tố chính: sự cởi mở, sự tận tâm, sự hướng ngoại, sự tương hợp và sự nhạy cảm. Mô hình này cho phép hiểu rõ hơn về cách mà các đặc điểm này ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc và mối quan hệ xã hội của mỗi cá nhân.

Chú thích 3

Bài hát sáng tác bởi Joan Baez, nhanh chóng trở thành quốc ca của Phong trào Dân quyền ở Mỹ những năm 1950 và 1960.


NGUỒN THAM KHẢO

​​ 

  1. ^ J. L. Tracy và R. W. Robins, “The Psychological Structure of Pride: A Tale of Two Facets”, Journal of personality and social psychology, tập 92, số 3 (2007): 506–25, https://doi.org/10.1037/0022-3514.92.3.506


  2. ^ M. J. J. Wubben, D. De Cremer và E. van Dijk, “Is pride a prosocial emotion? Interpersonal effects of authentic and hubristic pride”, Cognition and emotion, tập 26, số 6 (2012): 1084–97, https://doi.org/10.1080/02699931.2011.646956


  3. ^ V. H. Hồ, “Tự Hào Là Người Việt? - Phần 1”, Làng Huệ website, 02 tháng 10 năm 2015, https://langhue.org/index.php/van-hoc/but-ky,-but-luan,-dich-thuat/13109-tieu-luan-tu-hao-la-nguoi-viet-phan-1-ho-vn-hien


  4. ^ H. Nguyễn, “Tự hào là gì? Bạn đã tự hào về công việc của mình chưa?”, Timviec365 website, 06 tháng 06 năm 2024, https://timviec365.vn/blog/tu-hao-la-gi-new7877.html


  5. ^ J. L. Tracy và R. W. Robins, “Putting the Self into Self-conscious Emotions: A Theoretical Model”, Psychological inquiry, tập 15, số 2 (2004): 103–25, https://doi.org/10.1207/s15327965pli1502_01


  6. ^ N. L. Nguyễn và W. E. Bynum IV, “When I Say…self‐conscious emotions”, Medical education, tập 55, số 3 (2020): 291–92, https://doi.org/10.1111/medu.14425


  7. ^ L. Brun, P. Pansu, B. Dompnier và B. T. Johnson, “The Role of Causal Attributions in Determining Behavioral Consequences: A Meta-Analysis From an Intrapersonal Attributional Perspective in Achievement Contexts”, Psychological bulletin, tập 147, số 7 (2021): 701–18, http://doi.org/10.1037/bul0000331


  8. ^ L. Nummenmaa và L. Tuominen L (2018) “Opioid system and human emotions”, British journal of pharmacology, tập 175, số 14 (2018): 2737–49, https://doi.org/10.1111/bph.13812


  9. ^ M. W. Baldwin và J. R. Baccus “Maintaining a Focus on the Social Goals Underlying Self-Conscious Emotions”, Psychological inquiry, tập 15, số 2 (2004): 139–44, https://www.jstor.org/stable/20447218?seq=1


  10. ^ J. T. Cheng, J. L. Tracy và J. Henrich “Pride, personality, and the evolutionary foundations of human social status”, Evolution and Human Behavior, tập 31, số 5 (2010): 334-47, https://doi.org/10.1016/j.evolhumbehav.2010.02.004


  11. ^ D. Kealy, M. S. Treeby và S. M. Rice, “Shame, guilt, and suicidal thoughts: The interaction matters”, British journal of clinical psychology, tập 60, số 3 (2021): 414–23, https://doi.org/10.1111/bjc.12291


  12. ^ J. P. Tangney, J. Stuewig và D. J. Mashek, “Moral Emotions and Moral Behavior”, Annual review of psychology, tập 58, số 1 (2007): 345–72, https://doi.org/10.1146/annurev.psych.56.091103.070145


  13. ^ K. A. Van Orden và cộng sự, “The interpersonal theory of suicide”, Psychological Review, tập 117, số 2 (2010): 575–600, https://doi.org/10.1037/a0018697


  14. ^ J. P. Tangney và R. L. Dearing, Shame and Guilt, tái bản lần thứ 2 (New York: Guilford Press, 2002), https://ebookcentral.proquest.com/lib/rmit/detail.action?pq-origsite=primo&docID=330591


  15. ^ B. J. Bushman và R. F. Baumeister, “Threatened Egotism, Narcissism, Self-Esteem, and Direct and Displaced Aggression: Does Self-Love or Self-Hate Lead to Violence?”, Journal of personality and social psychology, tập 75, số 1 (1998): 219–29, https://doi.org/10.1037/0022-3514.75.1.219


  16. ^ J. Walker và V. Knauer, “Humiliation, self-esteem and violence”, The journal of forensic psychiatry & psychology, tập 22, số 5 (2011): 724–41, https://doi.org/10.1080/14789949.2011.617542


  17. ^ H. B. Lewis, Shame: The Exposed Self (New York: Free Press, 1992), https://psycnet.apa.org/record/1992-97054-000


  18. ^ T. J. Scheff, Emotions, the Social Bond, and Human Reality: Part/Whole Analysis (Cambridge: Cambridge University Press, 1997), https://doi.org/10.1017/CBO9780511549496


  19. ^ D. Calavia-Robertson, “Pride Is Important Because Someone Tonight Still Thinks They’re Better Off Dead,” nj.com website, 12 tháng 06 năm 2022, https://www.nj.com/opinion/2022/06/pride-is-important-because-someone-tonight-still-thinks-theyre-better-off-dead-calavia-robertson.html


  20. ^ Zinn Education Project, June 28, 1969: Stonewall Riots”, không rõ ngày đăng, https://www.zinnedproject.org/news/tdih/stonewall-riots


  21. ^ J. L. Mogul, A. J. Ritchie, và K. Whitlock, Queer (In)Justice: The Criminalization of LGBT People in the United States (Boston: Beacon Press, 2011). https://www.amazon.com/Queer-Justice-Criminalization-People-United/dp/0807051152


  22. ^ Library of Congress, “June 28: The Stonewall Uprising”, Library of Congress, không rõ ngày đăng, https://www.loc.gov/item/today-in-history/june-28/


  23. ^ J. Drescher, “Out of DSM: Depathologizing Homosexuality”, Behavior Sciences, tập 5, số 4 (2015): 56575, https://doi.org/10.3390/bs5040565


  24. ^ I. Bieber và cộng sự, Homosexuality: A Psychoanalytic Study (New York: Basic Books, 1962). https://babel.hathitrust.org/cgi/pt?id=mdp.39015053084482&seq=1&q1=parents


  25. ^ K. M. Lim và J. Kracov, “The Lavender Scare: How the Federal Government Purged Gay Employees”, CBS News, 28 June 2022, https://www.cbsnews.com/news/the-lavender-scare-how-the-federal-government-purged-gay-employees


  26. ^ S. Cope Dewey’s sit-ins sparked a generation of LGBTQIA social change”, The Philadelphia Inquirer, 16 tháng 06 năm 2022, https://www.inquirer.com/food/restaurants/philadelphiaa-dewey-sit-ins-legacy-20220616.html


  27. ^ J. M. W. Hughto, S. L. Reisner, and J. E. Pachankis, Transgender Stigma and Health: A Critical Review of Stigma Determinants, Mechanisms, and Interventions”, Social science & medicine, số 147 (2015): 22231, https://doi.org/10.1016/j.socscimed.2015.11.010


  28. ^ W. Byne và cộng sự, Gender Dysphoria in Adults: An Overview and Primer for Psychiatrists”, Transgender health, tập 3, số 1 (2018): 57A3, https://doi.org/10.1089/trgh.2017.0053


  29. ^ History.com Editors, The Stonewall Riots begin in NYC’s Greenwich Village”, history.com website, 02 tháng 03 năm 2025, https://www.history.com/this-day-in-history/june-28/the-stonewall-riot


  30. ^ S. Pruitt, What Happened at the Stonewall Riots? A Timeline of the 1969 Uprising”, history.com website, 13 tháng 06 năm 2019, https://www.history.com/articles/stonewall-riots-timeline


  31. ^ History.com Editors, Stonewall Riots”, history.com website, không rõ ngày đăng, https://www.history.com/articles/the-stonewall-riots


  32. ^ K. Fischer, What is Intersectionality?”, LibreTexts libraries, không rõ ngày đăng, https://socialsci.libretexts.org/Bookshelves/Ethnic_Studies/Introduction_to_Ethnic_Studies_(Fischer_et_al.)/08%3A_Intersectionality-_Centering_Women_of_Color/8.02%3A_What_is_Intersectionality


  33. ^ NYC LGBT Historic Sites Project, NYC Pride March”, NYC LGBT Historic Sites Project, không rõ ngày đăng, https://www.nyclgbtsites.org/site/starting-point-of-nycs-first-pride-march


  34. ^ S. de la Croix, A look back at the Chicago Pride Parade: 1970 – 2023”, Pride Chicago website, 12 December 2023, https://pridechicago.org/a-look-back-at-the-chicago-pride-parade-1970-2023


  35. ^ USAC, A brief history of Pride”, USAC website, không rõ ngày đăng, https://usac.edu/usac/equity-and-inclusion/underrepresented-communities/lgbtqia/pride-history


  36. ^ World Population Review, Countries Where Gay Marriage Is Legal 2025”, World Population Review, không rõ ngày đăng, https://worldpopulationreview.com/country-rankings/countries-where-gay-marriage-is-legal


  37. ^ Human Rights Watch, Tokyo: New Law Bars LGBT Discrimination”, Human Rights Watch, 05 tháng 10 năm 2018, https://www.hrw.org/news/2018/10/05/tokyo-new-law-bars-lgbt-discrimination


  38. ^ J. J. Conger, Proceedings of the American Psychological Association, Incorporated, for the year 1974: Minutes of the annual meeting of the Council of Representatives”, American Psychologist, tập 30, số 6 (1975): 620–651, https://doi.org/10.1037/h0078455


  39. ^ WHO, “Moving One Step Closer to Better Health and Rights for Transgender People”, who.int website, 17 tháng 5 năm 2019, https://www.who.int/europe/news/item/17-05-2019-moving-one-step-closer-to-better-health-and-rights-for-transgender-people


  40. ^ Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, “Bộ luật Dân sự 2015”, Thư Viện Pháp Luật website, 24 tháng 11 năm 2015, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Bo-luat-dan-su-2015-296215.aspx


  41. ^ N. H. Phạm, “Kết hôn đồng giới - Không cấm nhưng không thừa nhận”, Thư Viện Pháp Luật website, 01 tháng 12 năm 2015, https://thuvienphapluat.vn/cong-dong-dan-luat/ket-hon-dong-gioi--khong-cam-nhung-khong-thua-nhan-140032.html


  42. ^ Trung tâm ICS, “Câu chuyện VietPride”, Trung tâm ICS website, không rõ ngày đăng, https://ics.org.vn/cau-chuyen-viet-pride


  43. ^ Bộ Y tế, “Công văn 4132/BYT-PC về chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới”, Thư Viện Pháp Luật website, 03 tháng 08 năm 2022, https://thuvienphapluat.vn/cong-van/The-thao-Y-te/Cong-van-4132-BYT-PC-2022-chan-chinh-cong-tac-kham-chua-benh-nguoi-dong-tinh-song-tinh-525166.aspx


  44. ^ M. Evans, “LGBT Pride in Hollywood cinema: From Moonlight to Brokeback Mountain,” Metro website, 19 tháng 06 năm 2022, https://metro.co.uk/2022/06/19/lgbt-pride-in-hollywood-cinema-from-moonlight-to-brokeback-mountain-16847328/


  45. ^ J. Rothmann, “‘Send in the (gay) clowns’: Will & Grace and Modern Family as ‘sensibly queer’”, Acta Academica, tập 45, số 4 (2013): 4083, https://doi.org/10.38140/aa.v45i4.1418


  46. ^ S. Horlor, “Going strong with gay icon RuPaul”, Xtra Magazine, 12 tháng 01 năm 2011, https://xtramagazine.com/culture/going-strong-with-gay-icon-rupaul-8395


  47. ^ M. Theil, “Lady Gaga: Poker Face is an ode to bisexuality”, PinkNews, 30 tháng 10 năm 2021, https://www.thepinknews.com/2021/10/30/lady-gaga-poker-face-bisexuality


  48. ^ I. Kaplan, “Chappell Roan on Coming Out as a Lesbian: ‘I Just Wasn't Supposed to Be Sleeping with Men’”, People magazine, 10 tháng 09 năm 2024, https://people.com/chappell-roan-opens-up-about-coming-out-as-lesbian-8709592


  49. ^ Hà Trang, “Những nghệ sĩ Việt công khai là người thuộc cộng đồng LGBT”, Tiền Phong magazine, 10 tháng 07 năm 2022, https://tienphong.vn/nhung-nghe-si-viet-cong-khai-la-nguoi-thuoc-cong-dong-lgbt-post1452469.tpo


  50. ^ Tôi Đồng Ý, “Trang chủ”, Tôi Đồng Ý website, truy cập ngày 13 tháng 04 năm 2025, https://toidongy.vn/


  51. ^ G. Bandera, “Which countries impose the death penalty on gay people?”, FairPlanet website, 13 tháng 07 năm 2024, https://www.fairplanet.org/story/death-penalty-homosexualty-illegal


  52. ^ Your Ex, “Over 350 Transgender People Killed in 2024: Report Highlights Alarming Trends in Violence”, Your Ex website, 21 tháng 11 năm 2024, https://gayexpress.co.nz/2024/11/over-350-transgender-people-killed-in-2024-report-highlights-alarming-trends-in-violence/


  53. ^ Human Rights Watch, “Georgia: Government Creating Rights Crisis”, Human Rights Watch website, 16 tháng 01 năm 2025, https://www.hrw.org/news/2025/01/16/georgia-government-creating-rights-crisis

  54. ^ Equaldex, “LGBT Rights in Jordan”, Equaldex website, không rõ ngày đăng, https://www.equaldex.com/region/jordan


  55. ^ R. Younes, “All This Terror Because of a Photo: Digital Targeting and Its Offline Consequences for LGBT People in the Middle East and North Africa”, Human Rights Watch website, 21 tháng 02 năm 2023, https://www.hrw.org/report/2023/02/21/all-terror-because-photo/digital-targeting-and-its-offline-consequences-lgbt


  56. ^ Human Rights Campaign, “Map: Attacks on Gender Affirming Care by State”, Human Rights Campaign, không rõ ngày đăng, https://www.hrc.org/resources/attacks-on-gender-affirming-care-by-state-map


  57. ^ V. T. H. Phó, “Hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính tại Việt Nam – thực trạng và một số giải pháp”, Tạp chí Quản lý nhà nước, 25 tháng 04 năm 2024, https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/04/25/hoan-thien-phap-luat-ve-chuyen-doi-gioi-tinh-tai-viet-nam-thuc-trang-va-mot-so-giai-phap


  58. ^ Luật Phúc Gia, “Pháp luật Việt Nam 'không cấm kết hôn' đồng giới nhưng 'không thừa nhận'”, Công Ty Luật Phúc Gia website, 21 tháng 06 năm 2022, https://luatphucgia.vn/phap-luat-viet-nam-khong-cam-ket-hon-dong-gioi-nhung-khong-thua-nhan-n227.html


  59. ^ T. H. Lương, “100+ quyền & nghĩa vụ mà các cặp đôi LGBT không có khi chưa thừa nhận hôn nhân cùng giới”, Facebook, 03 tháng 03 năm 2025, https://www.facebook.com/share/p/167xtEN4wn/


  60. ^ V. T. Hoàng, “Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, 21 tháng 12 năm 2023, https://danchuphapluat.vn/binh-dang-gioi-trong-linh-vuc-lao-dong-o-nuoc-ta-hien-nay


  61. ^ Viện iSEE, “Tóm tắt báo cáo 'Có phải bởi vì tôi là LGBTI?' 2023”, thuvien.lgbt website, 2023, https://thuvien.lgbt/documents/tom-tat-bao-cao-co-phai-boi-vi-toi-la-lgbti-2023


  62. ^ BBC News, “Vietnam universities refuse gay students”, BBC News, 11 tháng 07 năm 2017, https://www.bbc.com/news/world-asia-40490946


  63. ^ D. M. Verma và A. P. M. Basheer, “LGBTQIA Rights, Mental Health Systems, and Curative Violence in India,” Indian Journal of Medical Ethics, tập 7, số 3 (2023): 1–9, https://doi.org/10.20529/IJME.2021.090


  64. ^ J. M. Haldeman, “Christian Mainline Protestant Pastors’ Beliefs About the Practice of Conversion Therapy,” Journal of Marital and Family Therapy, tập 44, số 4 (2018): 652–64, https://doi.org/10.1111/jmft.12447


  65. ^ Đ. M. V. Trịnh và cộng sự, “Tìm hiểu trải nghiệm bị chữa trị chuyển đổi của người LGBTIQ+ tại Việt Nam”, thuvien.lgbt website, 2024, https://thuvien.lgbt/documents/tim-hieu-trai-nghiem-bi-chua-tri-chuyen-doi-cua-nguoi-lgbtiq-tai-viet-nam


  66. ^ C. Ryan, D. Huebner, R. M. Diaz, và J. Sanchez, “Family Rejection as a Predictor of Negative Health Outcomes in White and Latino Lesbian, Gay, and Bisexual Young Adults,” Pediatrics, tập 123, số 1 (2009): 346–52, https://doi.org/10.1542/peds.2007-3524


  67. ^ E. A. McConnell, M. Birkett, và B. Mustanski, “Families Matter: Social Support and Mental Health Trajectories Among Lesbian, Gay, Bisexual, and Transgender Youth,” Journal of Adolescent Health, tập 59, số 6 (2016): 674–80, https://doi.org/10.1016/j.jadohealth.2016.07.026




Nếu bạn thích bài viết, hãy ủng hộ Nhân 1 cốc cà phê nhé!


1 Comment

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Rated 5 out of 5 stars.

Quá thú vị để đọc blog về cộng đồng mỗi ngày.

Like

Bài viết gần đây:

bottom of page